Lục Nam phát triển du lịch

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Đến năm 2020, du lịch huyện Lục Nam từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng du lịch - dịch vụ trong kinh tế của huyện.

Đến năm 2020, du lịch huyện Lục Nam từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng du lịch - dịch vụ trong kinh tế của huyện.

Một góc Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ.

 

Đó là mục tiêu mà UBND huyện Lục Nam đề ra trong Chương trình phát triển du lịch huyện Lục Nam giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Để phát triển du lịch, huyện Lục Nam xác định trọng tâm là đầu tư xây dựng hạ tầng khu du lịch sinh thái Suối Mỡ. Quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các điểm du lịch suối Nước Vàng (Lục Sơn), Vực Rêu, chùa Yên Mã (Cẩm Lý), đập Suối Nứa (Đông Hưng), rừng Lim (Nghè Mản), chùa Khám Lạng...

Phấn đấu có ít nhất từ 1 - 2 khách sạn và 15 nhà nghỉ với 200 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn đáp ứng cơ bản nhu cầu nghỉ của khách du lịch.

Bên cạnh đó, huyện liên kết với các huyện Yên Dũng, Lục Ngạn, Sơn Động, TP Bắc Giang, huyện Chí Linh (Hải Dương) để xây dựng các tour, tuyến du lịch.

Để tăng trưởng khách du lịch, huyện chú trọng khai thác khách du lịch nội địa trong dịp tổ chức các lễ hội, thu hút khách nghỉ cuối tuần đến các huyện, tỉnh bạn, khách đến từ sườn Đông Yên Tử, khách từ Hà Nội, Hải Phòng lên Lạng Sơn, khách từ Trung Quốc qua Lạng Sơn về Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Phấn đấu đến 2020 thu hút 180 - 200 nghìn lượt khách du lịch, tổng doanh thu ước đạt 25 tỷ đồng. Duy trì mức tăng trưởng bình quân giai đoạn đạt 20%/năm.

Để phát triển nguồn nhân lực, huyện sẽ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy quản lý nhà nước làm du lịch.

Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm tại các đơn vị kinh doanh du lịch; các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức cũng như các kiến thức, cách làm du lịch cho người dân ở tại các khu, điểm du lịch.

Phấn đấu đến năm 2020 có 90 - 100% lao động trong ngành được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ du lịch. Tạo thêm việc làm cho người lao động: đến năm 2020 số lượng lao động làm du lịch ước khoảng 400 đến 500 người. Ðồng thời tạo thêm việc làm cho khoảng 5.000 lao động ngoài xã hội đang hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, sản xuất, vận chuyển phục vụ khách du lịch./.

An Nhiên