|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ở Lục Ngạn (Bắc Giang), nghề nấu rượu không biết đã có từ bao giờ, nhưng trải qua bao năm tháng người Nùng nơi đây vẫn giữ được bí quyết tạo nên hương vị của thứ rượu men lá (rượu Kiên Thành) đậm đà hương vị núi rừng.

Rượu Kiên Thành (Ảnh minh họa).

Rượu Kiên Thành được nấu ở xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn. Men để nấu rượu Kiên Thành được chế từ 3 loại lá rừng và bột gạo. Loại lá quan trọng nhất, muốn rượu có hương thơm đặc biệt và uống vào dịu mát thì phải có 3 loại lá cây (giá pèng, nhàn đăm, ẹt nắm). Loại gạo được chọn nấu rượu phải là loại gạo bao thai hồng không được xay trắng làm mất lớp gạo nức bên ngoài mà chỉ xay cho hết vỏ trấu được nấu thành cơm.

Để có được rượu ngon đòi hỏi nấu cơm rượu phải ngon. Do đó nấu cơm rượu là một nghệ thuật. Cơm nhất định phải được nấu bằng củi, cơm nấu vừa chín tới không được cứng cũng không được quá nát. Cơm nấu xong để nguội rồi mới trộn với men đã được xay nhỏ. Sau đó đem cơm trộn men cho vào chum vại sành, sứ ủ khoảng 3 - 4 ngày cho đến khi ngấu men thì mới đổ nước vào thời gian ngâm nước khoảng 2 - 3 ngày rồi mới đem ra chưng cất thành rượu. Thông thường thì 1 kg gạo tương ứng với 1 lít rượu.

Rượu Kiên Thành khi uống có hương vị rất hấp dẫn, ngọt mát, đượm đà, dù cho nồng độ khá cao, nhưng lại rất dịu dàng, êm ái hơn bất kỳ loại rượu nào khác, kể cả rượu Tây chính hiệu. Rượu dù uống say đến đâu thì vẫn cứ sảng khoái, nhẹ nhõm chứ không hề nhức đầu như nhiều loại rượu khác. Đó là một đặc điểm rất quý của rượu Kiên Thành.

Hiện nay, xã Kiên Thành có gần 200 hộ nấu rượu, mỗi năm sản xuất gần 800.000 lít. Với những đặc trưng không lẫn với bất cứ loại rượu nào, rượu Kiên Thành ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Ngày 05/4/2010, rượu Kiên Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể thương hiệu “Rượu 333 Kiên Thành” và nằm trong 14 sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bắc Giang./.