Hội thảo phát triển bền vững vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn ứng phó với biến đổi khí hậu

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chiều 25/11, tại huyện Lục Ngạn, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tổ chức Hội thảo phát triển bền vững vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, sau khi nghe báo cáo về thực trạng và định hướng phát triển cây ăn quả huyện Lục Ngạn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề chủ yếu như: kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm quản lý trang trại cây ăn quả hiệu quả; thảo luận chia sẻ thông tin, giới thiệu các mô hình phát triển vùng sản xuất cây ăn quả hiệu quả; các giải pháp để phát triển bền vững cho vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: BGP/Hoàng Hà.

Anh Bùi Đức Long – chủ trang trại cam ngọt tại xã Hồng Giang huyện Lục Ngạn là người đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi từ cây vải sang mô hình trồng cam tại huyện Lục Ngạn chia sẻ kinh nghiệm: “Bí quyết thành công lớn nhất của nhà vườn, đặc biệt là vườn trồng cam cần có vốn kiến thức về sản xuất và tâm huyết, yêu cây như yêu chính bản thân mình. Cam ngọt muốn sai quả phải ngừng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trong một thời gian ngắn, giúp phân hóa mầm hoa và đậu quả. Tuy nhiên, cam là giống cây khó tính nên mất nhiều công sức chăm sóc, chi phí đầu tư lớn”. Bên cạnh đó, anh Long cũng chia sẻ về những vấn đề khó khăn đang gặp phải trong quá trình trồng cam như bệnh thối rễ cây, vấn đề cung vượt cầu.

Anh Bùi Đức Long – Chủ trang trại cam ngọt tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn chia sẻ kinh nghiệm
trong việc trồng cây cam canh. Ảnh: BGP/Hoàng Hà.

Về định hướng chỉ đạo của ngành Nông nghiệp về phát triển vùng cây ăn quả bền vững, ông Đặng Văn Tặng – Trưởng phòng Kỹ thuật Tổng hợp, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết: Hiện nay, sản xuất cây ăn quả một số vùng quy mô còn nhỏ, phân tán, diện tích cây có múi phát triển nóng, chưa theo quy hoạch; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất còn hạn chế. Thời gian tới các cơ quan chức năng cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế của tỉnh, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kĩ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng; tập trung xây dựng thương hiệu, bao bì đóng gói, nhãn mác cho các sản phẩm cây ăn quả…

. Ông Đặng Văn Tặng – Trưởng phòng Kỹ thuật Tổng hợp, Sở Nông nghiệp và PTNT
nêu lên một số định hướng phát triển cây ăn quả có múi trong thời gian tới. Ảnh: BGP/Hoàng Hà.

Tiến sĩ Lê Mai Nhất, Viện Bảo vệ thực vật Việt Nam cho rằng: Để phát triển bền vững cây ăn quả có múi tại Bắc Giang cần phục tráng, bảo tồn và phát triển chủng loại cây ăn quả có múi đã và đang có ưu thế ở Bắc Giang cho từng vùng; xây dựng nhà lưới để sản xuất cây giống sạch bệnh, đồng thời cơ quan quản lý có thẩm quyền cần kiểm soát tốt nguồn cây giống; tuân thủ việc sử dụng cây giống đạt tiêu chuẩn sạch bệnh, đúng giống, đúng chủng loại và quản lý sinh vật hại theo hướng tổng hợp; cập nhật và ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất cây ăn quả có múi.

Tiến sĩ Lê Mai Nhất - Viện Bảo vệ thực vật Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BGP/Hoàng Hà.

Ngoài ra, tại hội thảo các đại biểu cũng đi sâu nhận xét, đánh giá thảo luận một số vấn đề trọng tâm khác như: Công tác quản lý sâu, bệnh hại tại vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn trong điều kiện biến đổi khí hậu; giải pháp thủy lợi phát triển bền vững vùng cây ăn quả; ứng dụng công nghệ thời tiết tự động IMETOS trong cảnh báo thời tiết, thiên tai, sâu bệnh với cây ăn quả; công tác dự tính dự báo tình hình sâu bệnh hại, hướng dẫn tuyên truyền người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, vai trò của phân bón với cây trồng…/.