Lục Ngạn - vùng trái ngọt

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Lục Ngạn là huyện miền núi, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang khoảng 40 km, giáp huyện Lục Nam, Sơn Động (Bắc Giang), huyện Hữu Lũng, Lộc Bình, Chi Lăng (Lạng Sơn). Có quốc lộ 31 và quốc lộ 279 chạy qua, kết nối với hệ thống giao thông nông thôn hình thành mạng lưới giao thông tương đối phát triển tạo nên lợi thế về giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội với các huyện trong tỉnh, các tỉnh lân cận, với thủ đô Hà Nội và cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn.

Vùng đất Lục Ngạn. Ảnh: BGP/Hải Huyền

Huyện Lục Ngạn có 29 xã (12 xã vùng cao) và 01 thị trấn, với diện tích 103.253,05 ha, dân số hơn 226.000 người; có 8 dân tộc chính (Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chí, Dao, Hoa); trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 49%, sinh sống đan xen ở 394 thôn, bản, khu phố, tạo nên sự giao thoa văn hóa đặc sắc mà ít nơi nào có được.

Lục Ngạn là nơi có bề dày về truyền thống lịch sử - văn hóa với 01 di tích lịch sử cấp quốc gia (Đền Hả ở xã Hồng Giang); 40 di tích lịch sử cấp tỉnh. Lục Ngạn có chùa Am Vãi linh thiêng (xã Nam Dương) nằm trong không gian văn hóa tâm linh Tây Yên Tử (lễ hội vào ngày mùng 03/3 âm lịch hàng năm); Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn (vào ngày 18/02 âm lịch), lễ hội đền Từ Hả (vào ngày mùng 8 tháng Giêng), lễ hội đền - chùa Khánh Vân (vào ngày 18/2 âm lịch),...

Năm 2012, dân ca dân tộc Cao Lan (xã Đèo Gia), dân ca dân tộc Sán Chí (xã Kiên Lao) được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Năm 2014, huyện Lục Ngạn được vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nơi đây cũng đã sản sinh ra những vị anh hùng dân tộc, đóng góp một phần không nhỏ trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, từ Cao Sơn - Quý Minh - những vị tướng tài giỏi thời các vua Hùng, đến các danh tướng nổi tiếng như: Thân Cảnh Phúc (ông được nhân dân tôn thờ tại đền Từ Hả - xã Hồng Giang); Vi Hùng Thắng - người con của Lục Ngạn (ông được nhân dân tôn thờ tại đền Quan Quận - thị trấn Chũ).

Hồ Cấm Sơn - Lục Ngạn. Ảnh: BGP/Hải Huyền.

Đây cũng là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh tạo nên những điểm tham quan du lịch hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về ngọn nguồn lịch sử. Đó là ải Nội Bàng, ải Xa Lý, với các di tích và danh lam thắng cảnh đẹp như: đền Từ Hả (đền Hả), đền Quan Quận, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần và núi Am Vãi - nơi in dấu bàn chân Phật.

Trong đó, hồ Khuôn Thần nổi lên như một viên ngọc lấp lánh giữa vùng rừng núi mênh mang. Khu du lịch hồ Khuôn Thần với tổng diện tích là 2.700 ha, có 500 ha rừng tự nhiên và 500 ha rừng thông, dung tích 10 triệu m3 nước. Hồ Cấm Sơn với diện tích rừng bao quanh 21.800 ha, diện tích mặt nước hồ 2.400 ha, dung tích nước hồ 307 triệu m3. Nơi đây đã tạo nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phó Đức Phương đã cho ra đời ca khúc nổi tiếng “Hồ trên núi”.

Vùng đất Lục Ngạn được thiên nhiên ưu đãi, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng Trung du và vùng núi Phía Bắc. Vì vậy, vào mùa đông nhiệt độ hạ thấp, nhiệt độ trung bình nằm trong khoảng 20-250C rất thích hợp đối với các loại cây ăn quả, đặc biệt là cây vải và các loại cây trồng có múi.

Bên cạnh đó, nhân dân Lục Ngạn có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, tiêu biểu là Anh hùng Lao động Lý Lỏi Sáng (xã Tân Mộc); nhiều nông dân Lục Ngạn đã trở thành những nghệ nhân làm vườn và trồng cây ăn quả...

Xuất phát từ đó, Lục Ngạn xác định phát triển sản xuất cây ăn quả là tiềm năng, lợi thế của huyện. Trong nhiều năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Lục Ngạn đã tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành đối với công tác phát triển sản xuất cây ăn quả trên địa bàn với định hướng là: “Sản xuất hàng hóa theo hướng phát triển bền vững”.  

Theo đó, Lục Ngạn đã hình thành vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc, với diện tích trên 26 nghìn ha cây ăn quả các loại. Trong đó, vải thiều hơn 15 ngàn ha, sản lượng khoảng 100 nghìn tấn/năm, cam Lục Ngạn gần 3.300 ha, bưởi Lục Ngạn gần 1.700 ha, nhãn 825 ha, táo 120 ha...

Nhiều loại trái cây trồng tại Lục Ngạn cho chất lượng thơm, ngon hơn ở nơi bản địa. Sản lượng cây có múi hàng năm khoảng gần 30 nghìn tấn và còn tăng lên nhiều trong những năm tiếp theo. Ngoài ra còn nhiều loại cây ăn quả khác như: thanh long ruột đỏ, các giống ổi, chanh đào, hồng,...

Vải thiều Lục Ngạn loại cây ăn quả nổi tiếng được nhiều người biết đến. Ảnh: BGP/Hải Huyền.

Thời gian sản xuất và tiêu thụ các loại trái cây của Lục Ngạn đạt liên tục 10 tháng/năm, bắt đầu là trái vải thiều từ tháng 5 đến tháng 7, nhãn từ tháng 7 đến tháng 8, tiếp đó là cam, bưởi, ổi, táo... từ tháng 9 đến tháng hết tháng 02 năm sau. Hàng năm, nông dân Lục Ngạn thu nhập từ trồng cây ăn quả đạt trên 3 nghìn tỷ đồng.

Ngoài trái cây, huyện Lục Ngạn còn có sản phẩm đặc sản khác như: rượu Kiên Thành, mỳ Chũ (13.000 tấn/năm), mật ong (trên 1.000 tấn/năm), phấn hoa vải thiều (trên 50 tấn/năm), dấm trái cây (100.000 lít/năm),…

Bên cạnh công tác quy hoạch phát triển cây ăn quả, Lục Ngạn xác định công tác tổ chức sản xuất và tiêu thụ là một nội dung quan trọng, mang tính quyết định đến hiệu quả sản xuất theo xu thế hội nhập và phát triển. Do vậy, huyện đã tích cực xây dựng chuỗi giá trị cho sản xuất cây ăn quả, liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà tiêu thụ). Đến nay, trên địa bàn huyện đã có Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều gồm 30 chi hội; Hội sản xuất và tiêu thụ trái cây có múi Lục Ngạn; thành lập 375 tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả; 32 doanh nghiệp, Hợp tác xã có ngành nghề hoạt động là: sản xuất, tiêu thụ trái cây và các sản phẩm đặc trưng của huyện.

Để hỗ trợ giao thương thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trong những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lục Ngạn tập trung quan tâm công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đặc biệt là hệ thống đường giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, lưu thông hàng hóa giúp đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội và làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Đến với Lục Ngạn, đến với vùng đất của hoa thơm, trái ngọt, vùng đất giàu tiềm năng du lịch sinh thái, bạn bè, du khách gần xa sẽ nhớ mãi chùa Am Vãi linh thiêng, vẻ đẹp tự nhiên thơ mộng như tranh vẽ của hồ trên núi và vương vấn mãi bởi những làn điệu dân ca trữ tình, hương vị ngọt ngào không thể quên của vải thiều, cam, bưởi, nhãn, men rượu Kiên Thành say nồng... cũng như tình cảm thân thiện, nồng hậu, mến khách của người dân nơi đây./.