Sử dụng chế phẩm sinh học chăm sóc cây ăn quả ở Lục Ngạn

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Vài năm trở lại đây, nhiều hộ trồng cây có múi và vải thiều ở Lục Ngạn đã mạnh dạn tiếp cận những giải pháp nông nghiệp mới, ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng và chăm sóc cây ăn quả. Do đó, năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm luôn vượt trội nên đã xuất bán được giá thành cao, qua đó giảm thiểu lớn về chi phí sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần lớn vào bảo vệ sức khỏe người sử dụng và giảm thiểu tác động tới môi trường.

Vườn cam của hộ ông Ngô Trọng Nam, thôn Giành Cũ, xã Quý Sơn ứng dụng chế phẩm sinh học.
Ảnh: Đức Thọ 

Gia đình ông Ngô Trọng Nam, thôn Giành Cũ, xã Quý Sơn có 4 mẫu vườn trồng 600 cây cam lòng vàng và 1.300 cây cam ngọt 7 năm tuổi được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nam chia sẻ: “Những năm trước, gia đình tôi hầu hết sử dụng phân bón hóa học để bón cho cây cam. Trong quá trình bón phân, luôn tuân thủ đúng thời gian cách ly an toàn giữa thời điểm bón phân và thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, sử dụng phân bón hóa học giá thành cao, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của chính mình. Xuất phát từ thực tế này, hai năm trở lại đây, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất cam. Tùy từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây mà tôi lựa chọn cách pha chế chế phẩm sinh học sao cho phù hợp”.

Việc sử dụng chế phẩm cũng khá công phu. Nhưng cái được lớn nhất là không ảnh hưởng đến môi trường và an toàn với sức khỏe người trồng cam. Là người trồng cam lâu năm, bằng kinh nghiệm của bản thân, ông Nam đã đúc rút ra nhiều kỹ thuật đơn giản, an toàn và hiệu quả như: dùng vỏ trấu ủ với phân lợn, gà kết hợp với phân xanh, rơm, rạ để có phân bón; ngâm đậu nành, ngâm xương cá để bón tăng hàm lượng đạm cho cây cam. Ngoài ra, ông còn sử dụng dung dịch tỏi, ớt để phun trừ rầy; nước cây bồ hòn để trừ sâu vẽ bùa; tro bếp trừ sâu đục thân…

Cũng như gia đình ông Nam ở Quý Sơn, hộ anh Hà Văn Pợ ở thôn Đèo Cạn, xã Kiên Thành là một trong những hộ gia đình lao động và sản xuất giỏi của huyện. 5 năm trở lại đây, gia đình anh đã mạnh dạn tiếp cận những giải pháp nông nghiệp mới, ứng dụng chế phẩm sinh học Vườn sinh thái cho vườn vải nhà mình. Chính vì thế, vườn vải nhà anh luôn vượt trội về năng suất, chất lượng và mẫu mã nên đã xuất bán được giá thành cao, đồng thời cũng giảm được rất nhiều về chi phí sử dụng phân bón hóa học cũng như thuốc bảo vệ thực vật.  

Đồng hành cùng người trồng vải, cam trong nhiều năm qua, huyện Lục Ngạn cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Việc này được thực hiện đồng bộ từ khâu giống, quy trình chăm sóc, quy trình bón phân, kỹ thuật bảo vệ thực vật.

Theo thống kê hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt 25.000 ha, trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 10.700 ha (tăng 8.900 ha so với năm 2012); duy trì 18 mã số vườn được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp cho 394 hộ sản xuất vải thiều xuất khẩu vào thị trường Mỹ tại các xã Hồng Giang, Giáp Sơn, Tân Mộc, Biên Sơn, Tân Quang, Tân Sơn và Kiên Lao với diện tích 217,89 ha; nhãn có diện tích là 825 ha.

Cây có múi ngày càng được mở rộng, tổng diện tích 5.290 ha. Giá trị từ cây ăn quả đạt 3.064 tỷ đồng; 100% diện tích trên được sử dụng chế phẩm sinh học an toàn và thân thiện với môi trường. Bên cạnh việc sử dụng chế phẩm sinh học để diệt trừ các loại sâu hại, chế phẩm sinh học còn được sử dụng trong xử lý phân chuồng mục. Ngoài tác dụng xử lý phân chuồng mục, chế phẩm sinh học còn tạo ra nấm đối kháng trichoderma chống lại nấm thối rễ trên cây cam.

Tuy nhiên, việc sử dụng chế phẩm sinh học để diệt trừ sâu hại trên cây cam, bà con nông dân cũng cần có sự tính toán thời gian phun hợp lý bởi đặc tính của chế phẩm sinh học thường có tác dụng sau 3 - 5 ngày. Đây là điểm được coi là bất lợi với các loại thuốc hóa học được phép sử dụng trên cây ăn quả có múi. Cũng phải khẳng định rằng, việc sử dụng chế phẩm sinh học kết hợp với sử dụng thuốc hóa học nằm trong danh mục được phép sử dụng trên cây ăn quả có múi thường có tác dụng diệt sâu hại cao hơn.

Quả mọng nước, vị ngọt đậm, thơm đặc trưng đã làm nên thương hiệu riêng biệt của vải thiều và trái cam ngọt, cam lòng vàng của Lục Ngạn. Cùng với việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, người trồng cam Lục Ngạn cũng đang tích cực, mạnh dạn sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn với sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng. Qua đó, góp phần duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng, tính an toàn tuyệt đối của cam, vải Lục Ngạn đối với người tiêu dùng./.