Về vùng đất sông Lục, núi Huyền

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nhắc đến sông Lục, núi Huyền là người ta nghĩ đến Lục Nam vùng đất đậm các yếu tố văn hóa truyền thống. Nơi đây có dòng sông Lục hiền hòa, núi Huyền Đinh quanh năm soi bóng xuống dòng Lục Nam xanh mát. Hình sông thế núi ấy cùng với nền văn hóa bao đời mang lại cho vùng đất này nhiều tiềm năng để phát triển.

Nhắc đến sông Lục, núi Huyền là người ta nghĩ đến Lục Nam vùng đất đậm các yếu tố văn hóa truyền thống. Nơi đây có dòng sông Lục hiền hòa, núi Huyền Đinh quanh năm soi bóng xuống dòng Lục Nam xanh mát. Hình sông thế núi ấy cùng với nền văn hóa bao đời mang lại cho vùng đất này nhiều tiềm năng để phát triển.

Sông Lục Nam. Ảnh Internet

Lục Nam là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, phía Bắc giáp huyện Lục Ngạn, phía Tây giáp tỉnh Lạng Sơn và các huyện Lạng Giang, Yên Dũng, phía Nam giáp tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh.

Lục Nam có diện tích gần 600 km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp khoảng 18.720 ha, đất lâm nghiệp 27 nghìn ha, còn lại là một số diện tích đất khác. Dân số của huyện gần 21 vạn người, gồm 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm gần 13%. Toàn huyện có 25 xã và 2 thị trấn, với 334 thôn, bản.

Hệ thống giao thông của huyện khá thuận lợi có QL31, QL37 và ĐT293, ĐT295 chạy qua, kết hợp với tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh và tuyến đường sông Lục Nam, đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán. Lục Nam có vị trí chiến lược trọng yếu, có đường giao thông lớn nối liền với các tỉnh trong vùng. Huyện có thuận lợi trong giao lưu văn hóa, kinh tế giữa các vùng miền núi và đồng bằng, là thời cơ để huyện có những bước chuyển mình, bứt phá, tạo nên diện mạo mới của địa phương đang phát triển.

Kinh tế của huyện Lục Nam có nhiều chuyển biến, đời sống nông thôn ngày càng đổi mới. Ảnh: BGP/Hải Huyền

Trong những năm qua, nền kinh tế của huyện Lục Nam có những chuyển biến rõ rệt, cơ cấu nền kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực với mức tăng trưởng khá, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ngày một ổn định và sản xuất theo hướng hàng hóa, sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc. Năm 2017 tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 16,2%, trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 37%, công nghiệp - xây dựng đạt 34,8%, thương mại - dịch vụ đạt 28,2%.

Về sản xuất công nghiệp - thu hút đầu tư, hiện nay, trên địa bàn huyện đã thành lập 4 cụm công nghiệp Đồi Ngô, Già Khê, Vũ Xá và Lan Sơn với diện tích 186,1 ha và sắp tới sẽ hình thành khu công nghiệp xã Yên Sơn - Lan Mẫu - Khám Lạng với diện tích khoảng 400 ha. Cùng đó, huyện có 418 doanh nghiệp, Hợp tác xã đang hoạt động. Do có những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, cởi mở nên thời gian qua huyện đã thu hút một số doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất kinh doanh, với số vốn hàng trăm tỷ đồng tạo nên diện mạo mới về sự phát triển của huyện.

Về sản xuất nông nghiệp ngoài duy trì sản xuất các loại cây ăn quả là thế mạnh của huyện như: Na dai, dứa, vải thiều, nhãn…, Lục Nam còn chú trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện nay trên địa bàn huyện đã xây dựng 13 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2,08 ha tại các xã Bảo Đài, Đông Phú, Khám Lạng, Vô Tranh, Tiên Hưng, Chu Điện, đồng thời duy trì 02 mô hình công nghệ cao sản xuất rau an toàn tại thị trấn Đồi Ngô. Đồng thời chỉ đạo hỗ trợ nông dân xây dựng mới 07 mô hình mới tại các xã Bảo Đài, Tiên Hưng, Chu Điện, Bảo Sơn và Tam Dị với tổng diện tích 1,03ha.

Không chỉ làm tốt công tác phát triển kinh tế, Lục Nam còn chú trọng tới phát triển văn hóa - xã hội như: Y tế, Giáo dục, Văn hóa, Du lịch...

Lục Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Ảnh: BGP/Hải Huyền

Không chỉ có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đang trên đà phát triển, Lục Nam còn có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng. Với Khu di tích thắng cảnh Suối Mỡ, Suối Nước Vàng, thác Rêu, hồ Suối Nứa và những đồi rừng, vườn cây ăn quả tươi đẹp, Lục Nam còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, với 200 di tích, trong đó có hơn 40 di tích văn hóa, lịch sử đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh công nhận xếp hạng, trong đó có nhiều ngôi chùa, ngôi đình cổ có giá trị văn hóa kiến trúc, ẩn chứa nhiều giá trị kiến trúc, lịch sử… và nhiều lễ hội, sản phẩm độc đáo của địa phương hấp dẫn với khách du lịch - đây là tiềm năng lớn để Lục Nam phát triển du lịch.

Với tiềm năng, thế mạnh của mình cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, coi trọng phát triển công nghiệp - TTCN, chú trọng đầu tư khai thác du lịch, dịch vụ và với những chính sách phù hợp, cởi mở, thông thoáng trong một tương lai không xa huyện Lục Nam sẽ có bước chuyển mình vững chắc./.

Hải Huyền